Bệnh viêm da tiết bã, cách chăm sóc da và phòng ngừa bệnh tái phát
Viêm da tiết bã hay còn gọi là viêm da dầu là bệnh viêm da mãn tính phổ biến có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Bệnh thường gây nên tổn thương ở mặt, đầu, ngực và vùng liên bả vai. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn.
1. Viêm da tiết bã là gì?
Viêm da tiết bã còn có tên gọi khác là viêm da dầu hay viêm da tiết bã nhờn là tình trạng viêm da mãn tính đặc trưng bởi những ban đỏ hoặc bong tróc vảy. Đây là một thể của bệnh chàm eczema. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở những vùng da có chứa nhiều dầu và bã nhờn như mặt, ngực, da đầu, mũi,... Bệnh có ảnh hưởng đến trẻ nhỏ từ 0-3 tháng tuổi và người trưởng thành.
Bệnh lý này có tiến triển mãn tính, kéo dài và dai dẳng và dễ tái phát. Tuy nhiên ngoài tổn thương da, bệnh ít khi gây ngứa ngáy như các bệnh viêm da mãn tính khác. Vì vậy nếu được chăm sóc đúng cách các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát.
2. Dấu hiệu viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã thường phát triển từ từ. Bệnh có hai dấu hiệu chính: tổn thương da và cảm giác ngứa.
Tổn thương da:
- Vùng da bị ảnh hưởng có màu đỏ cam. Trên bề mặt thường có lớp vảy màu trắng. Vảy có thể khô hoặc nhờn. Bờ của các sẩn vảy thường rõ ràng.
- Tổn thương xuất hiện ở nhiều vị trí. Trên lưng và ngực, tổn thương có hình dạng đồng xu, đa cung hoặc hình nhẫn. Ở kẽ tai thường có vết nứt và rát đỏ. Ống tai có thể xuất hiện vết đỏ, dễ nhầm với nấm ống tai.
- Trên da đầu, mí mắt và lông mày, vảy da thường dính và có màu bạc trắng. Tổn thương ở má có hình cánh bướm. Các vùng khác như nách, bẹn, kẽ mông, dưới vú, kẽ mũi, rìa trán và giữa lông mày cũng dễ bị ảnh hưởng.
Cảm giác ngứa:
- Đa số bệnh nhân không cảm thấy ngứa. Tuy nhiên, một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị ngứa nhẹ. Cảm giác ngứa thường tăng lên khi thời tiết nóng và cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
Lưu ý quan trọng:
Tổn thương viêm da tiết bã ở một số vị trí có thể bị nhầm lẫn với bệnh nấm da. Cần chẩn đoán chính xác để có phương pháp điều trị phù hợp.
3. Nguyên nhân gây nên bệnh viêm da tiết bã
Bệnh viêm da tiết bã có sự liên hệ với hoạt động và phát triển của nấm men Malassezia. Khi loại nấm này kết hợp cùng những phản ứng bất thường của hệ miễn dịch sẽ gây ra tình trạng viêm da dầu. Bên cạnh đó, bệnh còn xuất hiện bởi những nguyên nhân sau:
Yếu tố di truyền: Nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh viêm da tiết bã hoặc vảy thì con cái sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
Người có làn da dầu: Da dầu nhờn là điều kiện thuận lợi để các nấm men Malassezia phát triển. Khi chúng hoạt động mạnh sẽ gây nên tình trạng viêm da dầu.
Hệ miễn dịch kém: Bệnh có liên quan mật thiết đến hoạt động bất thường của hệ miễn dịch. Nếu hệ miễn dịch kém thì bệnh sẽ khởi phát nhanh chóng, đặc biệt là những người mắc bệnh ung thư, HIV/AIDS hoặc tổn thương nội tạng.
Chế độ dinh dưỡng: Dùng quá nhiều gia vị đường, muối, ớt, ... sẽ làm tăng tiết dầu thừa, đây là cơ hội cho nấm men hoạt động mạnh và kích thích viêm da tiết bã.
Tác dụng phụ của thuốc: Khi dùng quá nhiều thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, hay thuốc corticoid,... người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ và gây viêm da dầu.
Thời tiết: Bệnh thường bùng phát mạnh nhất vào mùa thu và mùa đông. Thời gian này da dễ bị mất nước, trở nên khô ráp, dễ bong tróc và nhiễm bệnh. Mùa hè da khỏe hơn, đủ độ ẩm nên ít khả năng mắc bệnh.
Những yếu tố khác: bệnh viêm da dầu tiết bã có thể do rối loạn nội tiết tố, stress kéo dài, không vệ sinh da sạch sẽ, sống trong môi trường ô nhiễm,…
4. Triệu chứng của viêm da tiết bã
Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm da tiết bã, với từng đối tượng và độ tuổi, bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau.
4.1. Đối với trẻ sơ sinh
Bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh thường hay xảy ra trong độ tuổi từ 0 - 3 tháng. Trong đó, vùng da đầu là nơi dễ mắc bệnh nhất. Sau 3 - 12 tháng, bệnh có thể tự hết mà không cần chữa trị. Trong dân gian thường gọi là “cứt trâu”. Khi mắc bệnh viêm da tiết bã, trẻ thường gặp phải một số triệu chứng như sau:
- Những mảng da dày và cứng bám chặt vào da đầu và chân tóc.
- Các mảng da có màu trắng, vàng, đen, nâu khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
- Tổn thương da không gây ngứa ngáy, sưng viêm, đau nhức hay nóng rát.
- Trong một số trường hợp viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có thể lan xuống toàn thân, lên vảy tiết, dính ẩm,...
4.2. Đối với người lớn
Viêm da tiết bã ở người lớn ảnh hưởng đến những vùng da có nhiều dầu thừa như da đầu, cánh mũi, sau tai, cung mày, cổ và ngực. Bệnh ở người lớn thường có xu hướng kéo dài, dễ tái phát và không thể điều trị dứt điểm. Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm da tiết bã ở người lớn bao gồm:
Da nổi ban đỏ hoặc hồng, có vảy bong tróc và ẩm, nhờn. Triệu chứng ở vùng lưng, ngực sẽ có màu đỏ tươi, vảy trắng trên bề mặt.
Nếu ảnh hưởng đến vùng da mặt, thương tổn da thường có màu hồng/đỏ và bằng phẳng với những vùng xa xung quanh.
Viêm da tiết bã vùng cánh mũi thường có tính chất đối xứng, da đỏ hoặc hồng, tiết nhiều dầu và xuất hiện nhiều vảy bong tróc trên bề mặt.
Ở vùng cung mày, bệnh thường gây bong tróc, để lộ dát ban da có màu đỏ và mỏng.
Bệnh xảy ra ở da đầu thường gây đỏ da, tiết nhiều dầu thừa, nhiều vảy bong dính vào chân tóc. Vùng viền tóc, xuất hiện các bờ viền có màu đỏ, nổi cộm và thường có vảy trắng trên bề mặt dát ban.
Viêm da dầu ở người trưởng thành có thể ảnh hưởng đến vùng bẹn, dưới ngực, nách và cổ. Ở những vùng này thường xuất hiện tổn thương điển hình đi kèm với tình trạng viêm nang lông.
Bệnh viêm da tiết bã thường không gây ngứa ngáy và nóng rát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, tổn thương da có thể gây ngứa nhẹ.
5. Chăm sóc da và phòng ngừa bệnh viêm da tiết bã bằng cách nào?
Viêm da tiết bã là bệnh mãn tính và không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Do đó bệnh có khả năng tái phát nhiều lần. Mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người bệnh nhưng tình trạng tái phát thường xuyên có thể làm người bệnh mất tự tin trong giao tiếp và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, bạn cần chủ động phòng ngừa bệnh viêm da tiết bã bằng một số cách sau:
Tránh sử dụng nhiệt và phấn hoa lên da đầu. Đồng thời cẩn trọng khi dùng các sản phẩm chăm sóc tóc và mỹ phẩm.
Dùng kem chống nắng hàng ngày, che chắn cẩn thận khi hoạt động và di chuyển ở ngoài trời.
Thiết lập giờ sinh hoạt một cách khoa học để cân bằng nội tiết, ăn uống điều độ và luyện tập thể thao thường xuyên.
Tránh căng thẳng, giải tỏa stress bằng cách đọc sách, nghỉ ngơi và nghe nhạc.
Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, chất bảo quản, chất béo, gia vị cay nóng, các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá,...
Làm sạch da thường xuyên bằng những sản phẩm dịu nhẹ và sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày để giúp dưỡng ẩm cho những vùng da khô quá mức, làm mềm da và hạn chế tình trạng bong tróc của da.
Kết luận
Viêm da tiết bã là một bệnh lý về da có tính dai dẳng và hay tái phát và không có thể chữa khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh khá lành tính và nếu có phương pháp chăm sóc và điều trị đúng cách.
Nguồn tham khảo:
[1] Viêm Da Tiết Bã: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Chữa Hiệu Quả [Mới Nhất]. https://syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/viem-da-tiet-ba-nguyen-nhan-trieu-chung-dau-hieu-thuong-gap. Ngày truy cập: 08/11/2022.
[2] Nguyên nhân, triệu chứng của viêm da tiết bã. https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/nguyen-nhan-trieu-chung-cua-viem-da-tiet-ba-4708. Ngày truy cập: 08/11/2022.
[3]Bệnh viêm da tiết bã chữa thế nào?. https://suckhoedoisong.vn/benh-viem-da-tiet-ba-chua-the-nao-169221109082307761.htm. Ngày truy cập 24/9/2024
CH-20241028-08