Bệnh chàm da là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Nếu da bị ngứa và đỏ kéo dài, rất có thể bạn đã bị chàm. Tình trạng da này gặp cả ở trẻ em và người lớn. Bệnh chàm da gây ra cảm giác khó chịu, bứt rứt cho người bệnh. Nếu không có cách chăm sóc da phù hợp khiến tình trạng bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Vậy chàm là bệnh gì?, cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa trong bài viết này.
1. Bệnh chàm da là bệnh gì?
Bệnh chàm là một dạng viêm da cấp hoặc mãn tính, thường có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần theo đợt và gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Khi các tế bào biểu bì da bị khô, sưng đỏ, bắt đầu xuất hiện các mụn nước li ti. Mụn nước có thể vỡ ra, bong tróc thành từng mảng gây ngứa.
Chàm da không chỉ khiến cho người bệnh cảm thấy bứt rứt, khó chịu mà còn gây cản trở sinh hoạt, làm người bệnh mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh chàm da
Theo kết quả của một số các nghiên cứu, bệnh chàm da ảnh hưởng của yếu tố di truyền và các tác động của ngoại cảnh. Có thể kể đến các nguyên nhân gây nên bệnh này như sau:
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người bị bệnh da liễu thì khả năng bị bệnh có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền. Vì những rối loạn của một số yếu tố di truyền trong cơ thể như nội tiết tố, chức năng thần kinh, nội tạng, biến đổi vi sinh vật,...
- Yếu tố dị nguyên: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các dị nguyên được cho là có thể khởi phát bệnh chàm bao gồm: thuốc, hoá chất, mỹ phẩm, thực phẩm và một số cây cỏ đặc biệt. Quá trình tiếp xúc với các dị nguyên khiến co thể phản ứng tạo nên lớp rào sần sùi từ đó mà phát bệnh.
- Bị bệnh chàm da do yếu tố vi sinh: Trong điều kiện bề mặt da sần sùi nhiều lỗ nhỏ, cùng với khí hậu nóng ẩm, bề mặt da dễ bị các siêu vi, vi khuẩn xâm nhập.
- Thể trạng kém: Hệ miễn dịch yếu ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Khi cơ thể miễn dịch kém, sẽ dễ bị các yếu tố ngoại sinh tấn công gây khởi phát bệnh chàm.
- Người bị bệnh mãn tính: Bệnh chàm dễ khởi phát ở những người bị các bệnh mãn tính như xơ gan, hen phế quản, viêm thận, viêm tai… Người bệnh cần chú ý để phòng ngừa kịp thời.
3. Triệu chứng của bệnh chàm da
Triệu chứng chính của bệnh chàm là da ngứa, khô, thô ráp, bong tróc, viêm và kích ứng. Nó có thể bùng phát, giảm dần theo thời gian và sau đó bùng phát trở lại.
Bệnh chàm có thể gây tổn thương da ở bất cứ đâu trên cơ thể, tuy nhiên nó thường xuất hiện ở cánh tay, khuỷu tay trong, mặt sau của đầu gối, má và da đầu. Các triệu chứng thường gặp:
- Vùng da tấy đỏ: Khi khởi phát bệnh, vùng da xuất hiện những mảng đỏ hoặc hồng, lớp da dày sưng và ngứa.
- Xuất hiện mụn nước li ti: Sau khoảng thời gian vài giờ hoặc vài ngày vết tấy đỏ hiện lên, kèm với hiện tượng sưng, ngứa, mụn nước sẽ lộ ra. Mụn nước nổi lên nhiều, nhỏ li ti và chứa dịch trong suốt, rất ngứa. Nếu không bị vỡ ra thì mụn nước có thể tự khô rồi bong vảy. Nhưng nếu người bệnh gãi ngứa khiến mụn nước vỡ rồi mới khô, tạo nên một lớp màu nâu hoặc vàng trên vùng chàm. Lúc này, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ, nếu không rất dễ bị bội nhiễm.
- Da khô nứt nẻ, bong tróc vảy: Sau khi mụn nước vỡ và khô lại, vùng da khô đó bị nứt nẻ, bong tróc mạnh.
- Sau càng nhiều lần tái phát, vùng da bị chàm càng dày lên và có hiện tượng sạm màu hơn so với các vùng da khác, bề mặt xù xì. Vùng da này mang sẵn mầm bệnh và dễ dàng nổi mẩn đỏ lại bất cứ lúc nào. Quá trình này lặp đi lặp lại theo đợt, càng kéo dài càng dễ gây viêm da mãn tính và chàm ăn vào máu.
4. Bệnh chàm da có để lại biến chứng nào không?
Bệnh chàm có thể để lại một số biến chứng, bao gồm:
- Tình trạng mất ngủ: Bệnh chàm có thể gây khó ngủ và làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh.
- Nhiễm trùng da: Việc gãi nhiều lần có thể khiến da bạn tiếp xúc với vi khuẩn và vi-rút và có thể gây nhiễm trùng da.
- Hen suyễn và viêm mũi dị ứng: Bệnh chàm có thể dẫn đến phát triển của bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, đặc biệt là ở trẻ em dưới 12 tuổi.
- Da dày và có vảy: Gãi có thể khiến da người bệnh trở nên cứng và dày lên theo thời gian.
5. Cách phòng ngừa bệnh chàm
- Cố gắng không để đổ quá nhiều mồ hôi hoặc quá nóng. Trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tạo sự thoải mái và thư giãn. Tránh thay đổi nhiệt độ ẩm đột ngột.
- Mặc quần áo cotton rộng rãi, không nên mặc đồ quá chật. Tránh mặc những chất liệu thô cứng dễ xước như len.
- Tránh tắm nước quá nóng. Thời gian tắm không quá 15 phút.
- Không sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa hoặc dung môi mạnh.
- Chú ý những thực phẩm có thể gây nên dị ứng và tránh sử dụng chúng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà và phòng ngủ.
- Dưỡng ẩm cho da thường xuyên. Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ & phù hợp với làn da bé.
Kết luận
Bệnh chàm là bệnh da liễu mãn tính có tính chất tái đi tái lại nhiều lần, hiểu được vấn đề về nguyên nhân, các triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh chàm da, bạn có thể có các phương pháp chăm sóc da phù hợp để không bị bệnh chàm làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Nguồn tham khảo:
[1] Bệnh chàm da là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị chuyên gia khuyên dùng. https://soyte.binhduong.gov.vn/Lists/giaoducsuckhoe/DispForm.aspx?ID=90&benh-cham-da.html. Ngày truy cập: 5/11/2022. [2] Everything You Need to Know About Eczema. https://www.healthline.com/health/eczema. Truy cập ngày 5/11/2022.
CH-20230209-07